Ý nghĩa của sự phục sinh Sự_phục_sinh_của_Giêsu

Từ lúc hội thánh còn sơ khai, Sứ đồ Phao-lô đã xác định rõ ràng, "Nếu Chúa Cơ Đốc đã chẳng sống lại, thì sự giảng dạy của chúng tôi ra luống công, và đức tin anh em cũng vô ích."[16] Sự chết và phục sinh của Giêsu là hai sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử và thần học Cơ Đốc giáo. Đây là chứng cứ khẳng định quyền bính của Giêsu trên sự sống và sự chết, do đó ngài có quyền ban cho con dân ngài sự sống vĩnh cửu.[17][18][19][20] Theo ký thuật của Kinh Thánh, Thiên Chúa đã khiến ngài sống lại từ kẻ chết,[21] ngài lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa,[22][23][24][25] và sẽ trở lại[26] để làm ứng nghiệm lời tiên tri về Đấng Messiah, cũng như về sự sống lại của kẻ chết, sự phán xét sau cùng, và sự thiết lập Vương quốc Thiên Chúa. Phao-lô viết trong thư gởi tín hữu hội thánh Corinth,

Vả, nếu giảng dạy rằng Chúa Cơ Đốc đã từ kẻ chết sống lại, thì sao trong anh em có kẻ nói rằng những kẻ chết chẳng sống lại? Nếu những kẻ chết chẳng sống lại, thì Chúa Cơ Đốc cũng đã chẳng sống lại nữa. Lại nếu Chúa Cơ Đốc đã chẳng sống lại, thì sự giảng dạy của chúng tôi ra luống công, và đức tin anh em cũng vô ích. Lại nếu kẻ chết quả thật không sống lại, thì Thiên Chúa đã chẳng khiến Chúa Cơ Đốc sống lại, mà chúng tôi đã làm chứng trái với Thiên Chúa rằng Ngài đã làm cho Chúa Cơ Đốc sống lại, hóa ra chúng tôi làm chứng dối cho Thiên Chúa. Vì nếu kẻ chết sẽ chẳng sống lại, thì Chúa Cơ Đốc cũng đã chẳng sống lại nữa. Và nếu Chúa Cơ Đốc đã chẳng sống lại, thì đức tin anh em cũng vô ích, anh em còn ở trong tội lỗi mình. Vậy, những kẻ ngủ trong Chúa Cơ Đốc cũng phải hư mất đời đời. Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Chúa Cơ Đốc về đời này mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết. Nhưng bây giờ, Chúa Cơ Đốc đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ...Chúa Cơ Đốc là trái đầu mùa; rồi tới ngày Chúa Cơ Đốc đến, những kẻ thuộc về Ngài sẽ sống lại.[27]

Hầu hết tín hữu Cơ Đốc xem câu chuyện phục sinh được ký thuật trong Tân Ước là dữ kiện lịch sử, và là trọng tâm của đức tin. Một số học giả cho rằng chính nhờ xác định rõ ràng vào sự sống lại của Giêsu mà các môn đệ của ngài đã dạn dĩ đi ra rao giảng phúc âm và thành lập hội thánh.[28]

Trong Bữa ăn tối tại Em-mau, Caravaggio miêu tả thời khắc các môn đồ nhận ra Giêsu vừa phục sinh

Trong khi Chủ nhật Phục sinh là ngày lễ lớn được cử hành để kỷ niệm sự sống lại của Giêsu, Hoàng đế Constantine I công bố ngày nhóm lại hằng tuần của hội thánh không còn là thứ Bảy (ngày Sabbath), mà là Chủ nhật, như thế mỗi tuần hội thánh đều nhóm lại để kỷ niệm sự phục sinh của Giêsu. Cũng nên biết, ngay trong thời kỳ hội thánh sơ khai, các môn đồ đã bắt đầu nhóm lại vào ngày Chủ nhật.

Công giáo Rôma

Quan điểm Công giáo cho rằng Giêsu tự nguyện hiến mình như là một hành động tuân phục trọn vẹn để đền tội cho sự bất tuân của Adam, do đó ngài tẩy sạch nhân loại khỏi vết ố của nguyên tội (tội tổ tông). Sự hiến tế của Giêsu là hành động của tình yêu làm vui lòng Thiên Chúa, là lớn hơn tội lỗi loài người đã xúc phạm Thiên Chúa, vì vậy hễ ai tin Giêsu và tuân giữ mạng lịnh của ngài sẽ nhận lãnh sự cứu chuộc trong danh ngài.

Tín hữu Công giáo tin rằng một người có thể bị vuột mất ân điển nếu tiếp tục phạm tội sau khi được cứu rỗi. Một người có thể được phục hồi vào ân điển qua thánh lễ ăn năn và hoà giải (xưng tội).

Kháng Cách

Trong khi đó, quan điểm của Martin Luther về ý nghĩa của sự phục sinh của Giêsu, thường được gọi là Luận điểm Pháp chế, được chấp nhận bởi đa số tín hữu Kháng Cách (Protestant), là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc Cải cách Kháng Cách.

Giáo thuyết này nhấn mạnh rằng Thiên Chúa là Đấng Phán xét. Con người đã phạm tội, và vì vậy, theo sự công bình của Thiên Chúa, Ngài phải đoán phạt con người. Nhưng Thiên Chúa cũng là Đấng yêu thương, nên giải pháp được chọn, thoả mãn cả đức công bình lẫn đức yêu thương của Thiên Chúa, là sai Con Ngài, tức là Giêsu, Đấng hoàn toàn vô tội, đến để gánh thay tội lỗi của thế gian trên vai Ngài, hầu cho hễ ai chấp nhận món quà hiến tế này của Giêsu đều được giải thoát khỏi xiềng xích của tội lỗi.

Như thế, qua sự chết của Giêsu Cơ Đốc, thời kỳ Cựu Ước đã qua đi và mọi sự trở nên mới. Bức màn phân cách giữa Thiên Chúa và con người đã bị xé toang, con người được tự do tìm kiếm sự cứu chuộc cho mình qua Đấng Trung bảo duy nhất là Giêsu Cơ Đốc mà không còn phải tìm kiếm sự cứu rỗi qua thánh lễ, quy tắc, hoặc qua hàng giáo phẩm đặc quyền. Những người ủng hộ quan điểm này tin rằng chỉ có tấm lòng chấp nhận sự hy sinh của Giêsu Cơ Đốc là điều kiện cần thiết để được cứu rỗi, không phải nghi thức hoặc thánh lễ.

Quan điểm này về sự phục sinh của Giêsu phù hợp với Đại lễ chuộc tội của người Do Thái theo luật pháp Moses, trong ngày ấy, người Do Thái chọn một con dê đực không tì vít để thầy tế lễ thượng phẩm đặt tay trên con dê đực còn sống, "xưng trên nó các gian ác và sự vi phạm, tức là những tội lỗi của dân Israel, và chất trên đầu nó, rồi nhờ một người chực sẵn việc này mà sai đuổi nó ra, thả vào đồng vắng. Vậy, con dê đực đó sẽ gánh trên mình các tội ác của dân Israel nơi hoang địa" (Lê vi ký 16:21-22).

Christus Victor

Quan điểm Christus Victor (Chúa Cơ Đốc Đấng chiến thắng), phổ biến trong cộng đồng Chính Thống giáo Đông phương, tin rằng Giêsu được sai đến để đánh bại sự chết và Satan. Bởi sự chết tự nguyện và trọn vẹn, cùng sự phục sinh của Giêsu mà ngài đánh bại Satan và sự chết, rồi phục sinh trong chiến thắng. Nhờ đó, nhân loại không còn bị ràng buộc trong tội lỗi, nhưng được tự do phục hoà với Thiên Chúa bởi đức tin vào Giêsu.

Trái với quan điểm pháp chế, thuyết Christus Victor nhấn mạnh đến trận chiến tâm linh giữa thiện và ác. Trong khi thuyết pháp chế luận giải rằng Thiên Chúa đoán phạt Giêsu vì tội lỗi của nhân loại thì thuyết Christus Victor nhìn thấy loài người, từng bị cầm giữ trong quyền lực của Satan, nay quyền lực này bị Giêsu đánh bại; như thế, Thiên Chúa, qua Giêsu, đã phá vỡ xiềng xích của Satan.

Tự do

Nhà thờ Mộ thánh. Người ta tin là Giêsu được chôn cất ở đây.

Tín hữu Cơ Đốc theo khuynh hướng tự do xem sự kiện phục sinh không gì khác hơn là một biểu tượng tôn giáo về niềm hi vọng, họ chấp nhận sự kiện này như là một huyền thoại có tính biểu trưng cao và có tác dụng nuôi dưỡng tâm linh. Sự kiện phục sinh không phải là một vấn đề lịch sử nhưng là một thái độ tôn giáo. Những người theo khuynh hướng này bác bỏ luận điểm cho rằng Giêsu đã thật sự sống lại trong thể xác.

Hoài nghi

Hầu hết người bên ngoài Cơ Đốc giáo không chấp nhận việc Giêsu thật sự sống lại trong thân xác. Do đó, họ xem sự kiện này như một huyền thoại, hoặc đồng tình với quan điểm tự do để xem nó như một huyền thoại có sức mạnh hỗ trợ cho lòng sùng tín.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sự_phục_sinh_của_Giêsu http://www.apologetics.com/default.jsp?bodycontent... http://www.biblegateway.com/passage/?search=1Cor+1... http://www.biblegateway.com/passage/?search=1Cor+6... http://www.biblegateway.com/passage/?search=1Pet+1... http://www.biblegateway.com/passage/?search=1Pet+1... http://www.biblegateway.com/passage/?search=1Thess... http://www.biblegateway.com/passage/?search=2Cor+4... http://www.biblegateway.com/passage/?search=Acts+1... http://www.biblegateway.com/passage/?search=Acts+1... http://www.biblegateway.com/passage/?search=Acts+1...